TUYỂN SINH ĐẠI HỌC 2021: Nhóm ngành “lúc nào cũng hot”
13 tháng 04 năm 2021
Quá trình hội nhập kinh tế thế giới mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên theo học các ngành nghề trong lĩnh vực kinh doanh - tiếp thị - dịch vụ - du lịch, nhất là những bạn thuộc tuýp người năng động, sáng tạo, thích xông pha và muốn được hết mình với công việc. Bằng chứng là những năm vừa qua, số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển vào những ngành Marketing - Xuất - Nhập khẩu - Logistics - Du lịch - Khách sạn chưa bao giờ suy giảm mà mỗi năm càng tăng. Có thể gọi đây là nhóm ngành “lúc nào cũng hot”.
Nền kinh tế toàn cầu đang trải qua giai đoạn ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, tác động trực tiếp đến các hoạt động giao thương, mua bán, xuất nhập khẩu và du lịch, vậy thì cơ hội nghề nghiệp đối với nhóm ngành kinh doanh - tiếp thị - dịch vụ - du lịch sẽ thay đổi và thích ứng như thế nào? Hãy cùng thầy cô và các chuyên gia làm rõ hơn điều trăn trở này tại chương trình Utalk tư vấn tuyển sinh trực tuyến Đại học chính quy năm 2021 với chủ đề: Nhóm ngành “lúc nào cũng hot”.
Câu 1: Năm vừa qua nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhất là trong các lĩnh vực giao thương quốc tế, xuất nhập khẩu, dịch vụ, du lịch,... Vậy theo thầy cô và các chuyên gia, nhu cầu nhân lực của nhóm ngành nghề này có còn “hot” hay không?
Ông Trịnh Minh Cường
Các bạn sinh viên đang đam mê những ngành nhà hàng khách sạn hay giao thương quốc tế không nên vì cuộc khủng hoảng vừa qua mà chọn nhóm ngành nghề khác đi so với niềm đam mê của mình, sẽ rất đáng tiếc.
Thứ hai, hãy chọn môi trường đại học nơi cho các bạn cơ hội được rèn luyện kỹ năng, bản lĩnh và các yếu tố về mặt trình độ để khi tốt nghiệp có thể tạo được sự khác biệt cho mình, tạo được sự vững chãi và sẵn sàng đón nhận sự thay đổi của nền kinh tế một cách đầy bản lĩnh.
UEH là một trong những trường rất có môi trường đào tạo rất tốt nếu các bạn có cơ hội vào học. Trải qua tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, tôi thấy phần đông các bạn sinh viên UEH có trình độ cao hơn và khả năng thích ứng tốt hơn trong môi trường doanh nghiệp.
C.T Group là một tập đoàn kinh tế phát triển đa ngành với bất động sản là nhóm mũi nhọn, các nhóm ngành liên quan thì đúng là bị ảnh hưởng bởi Covid-19, tuy nhiên lượng nhân sự không hề cắt giảm bởi khủng hoảng, một phần vì tiêu chí tuyển dụng là ngoài năng lực chuyên môn thì sự thích nghi cao sẽ có cơ hội tốt tại tập đoàn.
Thầy Đức Trí - Viện Du lịch:
Trước mỗi hiện tượng xã hội thì tùy theo cách nhìn, chúng tôi nghĩ đây là cơ hội để các doanh nghiệp chuyển đổi, phải thông minh hơn, sử dụng công nghệ nhiều hơn. Rất nhiều doanh nghiệp chuyển mình, thay đổi bộ máy vận hành và có những kết quả kinh doanh tích cực. Bộ máy nhân sự hiện tại còn bám trụ hoạt động được thì thực sự họ có thay đổi rất là lớn, hầu hết đều thích thú với những kết quả có được, những sàng lọc này mang tính tích cực cho thị trường.
Thầy Đinh Tiên Minh - Khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing:
Đối với ngành marketing thì dù đại dịch như thế nào thì các doanh nghiệp càng phải tồn tại. Càng khó khăn thì càng phải sáng tạo hơn. Một vài hoạt động có thể thấy thì việc chuyển đổi số là không thể thiếu, không riêng gì marketing mà tất cả các ngành nghề khác. Cho nên các doanh nghiệp ngày nay khi áp dụng và thực hành marketing thì việc chuyển đổi số áp dụng rất nhiều. Trong tiếp thị, làm sao để có thể bán hàng trực tuyến, khách hàng ở xa có thể mua được sản phẩm của mình hoặc đưa được các mẫu quảng cáo trên mạng xã hội… Như thầy Trí đã chia sẻ thì điều này là một bước sàng lọc, giúp các doanh nghiệp thể hiện được sức mạnh của mình về mặt công nghệ cũng như sáng tạo trong kinh doanh.
Câu 2: Đối với những ngành nghề lĩnh vực Kinh doanh - Thương mại - Marketing - Dịch vụ - Du lịch này, các bạn sinh viên cần trau dồi những kiến thức, kỹ năng nào để đáp ứng công việc thực tế?
Cô Thu Hằng - Khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing:
Mình nghĩ tố chất đầu tiên của người lao động là tự chủ, tự lập được. Không giống như lúc còn đi học phổ thông mà bước chân vào trường đại học có thể các bạn sẽ hơi bỡ ngỡ. Lúc này các giảng viên và nhà trường sẽ hỗ trợ, đưa ra các công cụ giúp các bạn tự học, tự tìm tòi, thực hành để đạt được mục tiêu mong muốn. Kiến thức rất quan trọng với ngành như kiến thức về thương mại quốc tế, văn hóa tổ chức hay các kỹ năng hiện nay đang hot như kỹ năng quản lý cảm xúc cá nhân, thích nghi tốt trong môi trường tập thể là những tố chất bắt buộc sinh viên ngành kinh doanh quốc tế hoặc logistics phải có cũng như các ngành nghề khác cũng sẽ cần.
Về mặt kỹ năng thì hiện nay đặc biệt dưới áp lực phải thích nghi trong bối cảnh hậu Covid thì khả năng tiếp cận và sử dụng tốt công nghệ thông tin sẽ là điểm mạnh rất là lớn. Và đây cũng là một trong những thế mạnh của UEH cũng như khoa KDQT - Marketing để mang lại cho các bạn trải nghiệm với các hệ thống phần mềm cũng như các công cụ, phần mềm cập nhật tiêu chuẩn quốc tế để sau này bất kỳ doanh nghiệp lớn hay nhỏ nào các bạn cũng sẽ mất thời gian thích nghi ngắn nhất có thể.
Cô Thu Oanh - Khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing:
Thực ra đối với Thương mại thì đây là bước ngoặt phát triển khi cách mạng cộng nghệ 4.0 đến. Có thể thấy Việt Nam và Indonesia trong thời gian qua thương mại điện tử đã đứng đầu trong khối các nước Asean. Môn Thương Mại hỗ trợ cho các bạn sinh viên kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để các em có thể tự tin khi ra trường có thể làm việc cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chưa kể đến kỹ năng lãnh đạo, ứng dụng công nghệ và nhất là kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số. Sinh viên môn Thương Mại nói riêng và sinh viên UEH nói chung có một môi trường tự học và nghiên cứu rất cao.
Câu 3: Cơ hội việc làm về ngành du lịch sắp tới sẽ như thế nào?
Thầy Việt Phương - Viện Du lịch:
Về cơ bản thì cơ hội việc làm của các bạn học du lịch, nhà hàng và khách sạn luôn cao hơn so với sinh viên các ngành khác. Theo thống kê của Tổng Cục Du Lịch đã nhiều lần đưa ra các con số thống kê thì luôn luôn thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Những bạn tốt nghiệp từ đại học thì luôn được săn đón. Vậy thì dù Covid ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ở việc giữ lại hay không giữ lại nhân sự. Các bạn mới bước chân vào UEH thì cũng có ít nhất 3,5 năm theo học tại đây để trau dổi kinh nghiệm cũng như kiến thức. Đặc biệt tại UEH luôn tạo điều kiện cho các bạn khoa Nhà hàng, khách sạn và du lịch, luôn khuyến khích và mở cho các bạn cơ hội tham quan doanh nghiệp cũng như các chuyến thực địa để giúp các bạn có thể thực hành tốt và tích lũy kinh nghiệm ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Câu 4: Các hoạt động cũng như tinh thần của sinh viên khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing như thế nào?
Bạn Hồng Nhung - Sinh viên khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing:
Lúc đầu em cũng khá là ngại ngùng, lo lắng chút xíu nhưng các thầy cô cũng đã tạo điều kiện, giúp đỡ em rất nhiều nên bây giờ em đã tự tin hơn nhiều. Năm nhất vào em có cơ hội bén duyên với đoàn hội khoa, khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing với quy mô tình nguyện viên và thành viên thuộc top đầu của UEH. Em được các anh chị và thầy cô dẫn dắt với tinh thần tình nguyện - dấn thân - máu lửa nghĩa là bên cạnh việc học thì các bạn sinh viên được tạo điều kiện rất tốt để trau dổi rèn luyện các kỹ năng bên cạnh tiếp thu các kiến thức ở trên lớp.
Tụi em được các anh chị hỗ trợ rất là nhiều, chạy các chương tình cho sinh viên, học cách làm sao để quản lý thời gian của mình, kiểm soát cảm xúc của mình, quản lý và phân phối các công việc. Lúc đó các thầy cô và ban chủ nhiệm khoa cũng giúp đỡ rất nhiều để chúng em có thể thực hiện công việc của mình một cách tốt nhất có thể.
Thầy Đinh Tiên Minh - Khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing:
Đã là sinh viên của khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing nói chung và khoa Marketing nói riêng thì bản thân các em đã thể hiện được một sự năng động, nhiệt huyết, sáng tạo không ngừng nghỉ. Đặc biệt thời buổi này công nghệ đang vô cùng phát triển. Chính vì vậy mà các em sinh viên càng ngày càng dấn thân nhiều hơn không chỉ trong việc học, mà còn trong việc thực hành trong các phong trào đoàn khoa cũng như các hoạt động bên ngoài đời sống. Tôi nghĩ nhận định trên về sinh viên khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing của bạn ở trên là đúng.
Câu 5: Các bạn thí sinh luôn thắc mắc là “liệu mình có phù hợp với ngành nghề này không?”. Các Thầy/Cô/Chuyên gia có thể mô tả từ 3-5 tố chất mà 1 sinh viên các ngành này cần có?
Ông Trịnh Minh Cường:
Về ngành Kinh doanh quốc tế thì tố chất đầu tiên mà Cường nghĩ các bạn sinh viên phải có là tầm nhìn mang tính toàn cầu ngay từ khi bắt đầu chọn theo học. Cần xác định mình cần xây dựng những tố chất gì, phát triển những cái gì khí theo ngành này. Thế giới đang vận hành như thế nào, phát triển như thế nào và đâu là cơ hội cho ngành KDQT, các bạn có thể tự tìm câu trả lời.
Khi làm việc với các nhân sự, chuyên gia ở các quốc gia khác thì một tố chất cần có là tốc độ. Họ có tốc độ hơn hẳn mình. Nếu tác phong ì ạch, chậm chạp thì làm mình mình sẽ không bắt kịp được và rớt lại trong cuộc đua này.
Thứ hai là năng lực thích nghi, mọi nhịp thở, sự vận động đều gắn với nhịp đập toàn cầu. Nếu một nhân sự không có năng lực thích nghi thì sẽ bị rớt lại.
Vậy thì cơ hội là rất lớn nhưng cũng có thể là thách thức nếu không xác định, xây dựng cho mình một tầm nhìn cũng như là năng lực thích nghi với mọi sự thay đổi của môi trường.
Để các bạn sinh viên có định hướng, có sự rèn luyện cho bản thân thì đó là văn hóa làm việc, để đạt được điều đó thì từ khi đi học cần xây dựng văn hóa học tập tốt, làm gì cũng phải có thời hạn, có định lượng. Tránh đi vào vết xe đổ của các anh chị đi trước để có thể đua tranh với các nhân sự khác trên thị trường.
Thầy Đức Trí - Viện Du lịch:
Điểm đầu tiên để ra làm dịch vụ tốt đó là phải hiểu dịch vụ là gì và có năng lực trực quan tốt. Tức là thông qua quan sát sẽ diễn dịch được ý muốn của đối phương và từ đó đưa ra dịch vụ phù hợp.
Hiện nay với các yêu cầu về ứng dụng công nghệ cũng như kỹ thuật phân tích về thống kê, quản lý doanh thu… phục vụ cho công việc. Đòi hỏi hai tố chất nữa, tuy không bằng hai tố chất đầu nhưng vẫn rất cần thiết. Đầu óc phân tích số liệu để đưa ra phán đoán, dự báo những gì sắp xảy ra và khả năng tiếp thu, áp dụng các ứng dụng công nghệ vào ngành của mình.
Cô Thu Hằng - Khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing:
Đối với ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng thì trong thị trường doanh nghiệp chúng ta có thể xem đây không chỉ là dịch vụ mà còn là giải pháp cho bất kỳ doanh nghiệp nào luân chuyển hàng hóa, sản phẩm đến đối tác tiếp theo trong chuỗi cung ứng của mình.
Để cung cấp giải pháp tốt cho đối tác thì các bạn sinh viên ngay từ hôm nay hãy nhìn nhận thử xem mình có phù hợp hay không:
- Bạn có chịu khổ được hay không? Đây không phải công việc ngồi máy lạnh 8 tiếng một ngày, hết giờ rồi về như nhiều ngành nghề khác. Trong ngành này các bạn phải chịu di chuyển, chịu cực một chút để tương tác với đối tác và nhà cung ứng của mình.
- Thứ hai là cần có khả năng học và sử dụng ngoại ngữ một cách thành thạo. Không bao giờ chúng ta chỉ làm việc với 100% người Việt Nam mình mà phải có giao tiếp với các nhân sự nước ngoài hoặc ít nhất là trong khu vực. Gần gần thì có Trung Quốc, xa xa hơn thì có thị trường Châu Âu, thị trường Mỹ. Thì các bạn phải có ít nhất khả năng tiếng Anh lưu loát để giao tiếp, đàm phán với đối tác hiệu quả cũng như đọc hiểu được các giấy tờ chứng từ liên quan đến hoạt động, và các giải pháp mình sẽ cung cấp cho khách hàng là một điều tiên quyết không kém. Có thể hôm nay bạn chưa giỏi tiếng Anh nhưng bạn phải chịu học hỏi và muốn cải thiện khả năng tiếng Anh của mình.
- Sự linh hoạt: Không bó buộc trong phạm vi những điều mình đã học, đã biết mà cần có tư duy mở (open minded) để tiếp nhận những cái mới, có thể thay đổi bản thân để thích hợp hơn với nhu cầu của khách hàng. Cũng như khi làm việc trong công ty logistics thì các bạn sẽ tiếp cận và làm việc với các đối tác từ nhiều nơi trên thế giới thì chúng ta cũng cần khả năng thích nghi và linh hoạt trong cahs làm việc để xử lý công việc hiệu quả. Như vậy sẽ mang lại cơ hội tốt nhất, và trong thời gian theo học tại UEH sẽ giúp bạn phát huy được tối đa khả năng học tập cho ngành này.
Thầy Đinh Tiên Minh - Khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing:
Sinh viên của ngành Marketing đầu tiên cũng cần chịu cực chịu khổ, chịu cày, chịu bừa. Hoạt động Marketing là làm việc từ khi chưa hình thành sản phẩm, dịch vụ cho nên không chỉ sau một đêm là có ngay thành phẩm được nên người học ngoài tính năng động sáng tạo, cập nhật công nghệ và sự hòa mình với sự phát triển của thế giới.
Sinh viên được chia làm hai hướng: Làm dịch vụ đúng nghĩa như cung cấp dịch vụ marketing cho doanh nghiệp nên các em không hẳn không năng động nhưng chỉ cần có tư duy chiến lược, có thể định hướng thị trường tốt thì có thể làm cho các công ty tư vấn, định hướng chiến lược thị trường hoặc làm cho các doanh nghiệp dịch vụ như quảng cáo, event đòi hỏi các em sự sáng tạo năng động là chính.
Nếu như các em thấy mình có được sự chăm chỉ đó, tư duy chiến lược, khả năng phân tích số liệu cũng như sáng tạo, năng động thì có thể cân nhắc theo ngành.
Cô Thu Oanh - Khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing:
Trong bối cảnh kinh tế chung thì cũng tương tự như các ngành trên. Tuy nhiên sinh viên thương mại có thể làm việc cho đa dạng các công ty như xuất nhập khẩu, dịch vụ hoặc sản xuất kinh doanh… Nên tố chất cần bạn ấy phải có là đầu óc phân tích, đánh giá nhận định và xử lý các tình huống có thể xảy ra một cách linh hoạt.
Ngoài ra làm việc với các công ty đa quốc gia thì sinh viên phải có bồi dưỡng ngoại ngữ tốt để phục vụ không chỉ kinh doanh trong nước mà còn nước ngoài nữa. Cuối cùng, thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh thì sinh viên ngành này đang có cơ hội rất lớn, thực hiện kinh doanh nền tảng số nên các bạn cần có sự trau dồi, cập nhật linh hoạt các ứng dụng công nghệ trong công việc cũng như cuộc sống của mình.
Câu 6: Phân biệt giữa Kinh doanh quốc tế - Ngoại thương - Kinh doanh thương mại
Cô Thu Hằng - Khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing:
Trong Kinh doanh quốc tế mình có 2 chuyên ngành: Kinh doanh quốc tế và Ngoại Thương. Kinh doanh quốc tế và Ngoại Thương đều thuộc ngành Kinh doanh quốc tế nên 60-70% lượng học phần ở đại cương sẽ có nội dung giống nhau, và sau đó vào chuyên ngành riêng thì chúng ta sẽ có những môn học đặc thù hơn.
Bạn nào tiếp tục học Kinh doanh quốc tế sẽ tiếp tục học các học phần cung cấp các kiến thức, kỹ năng liên quan đến Kinh doanh quốc tế: Quản trị tài chính quốc tế, quản trị chuỗi cung ứng toàn cầu, quản trị nhân sự quốc tế … đảm bảo cho các bạn sinh viên có hiểu biết đầy đủ, khá toàn diện về chức năng của một doanh nghiệp hoạt động trong mảng Kinh doanh quốc tế.
Chuyên ngành Ngoại Thương thì các học phần đi sâu về các hoạt động xuất nhập khẩu hay ngoại thương, đi vào các môn học giúp cho các bạn có thêm các kỹ năng mới: quản trị xuất nhập khẩu, các hoạt động ngoại thương & hải quan cũng như bổ sung kiến thức, kỹ năng cho các nghiệp vụ xuất nhập khẩu làm tại doanh nghiệp quốc tế, ngân hàng hoặc cảng trong nước hoặc quốc tế.
Cô Thu Oanh - Khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing:
Ngành Kinh doanh thương mại tập trung sinh viên ra trường sau này sẽ làm ở bộ phận kinh doanh, hướng về hoạt động bán hàng nên hầu như nội dung sẽ tập trung vào quản trị bán hàng, phân tích hiệu quả kinh doanh của các công ty thương mại, thương mại quốc tế… Như vậy sự khác biệt giưã Kinh doanh thương mại và Kinh doanh quốc tế thì đầu ra, bộ phận phòng ban mà các bạn sinh viên sau khi ra trường sẽ theo làm là khác nhau.
Câu 7: Có rất nhiều bạn quan tâm về việc thực tập cũng như cơ hội việc làm sau khi ra trường, anh Cường có thể chia sẻ thêm thông tin được không ạ?
Ông Trịnh Minh Cường:
Hiện tại tại tập đoàn C.T Group có một chương trình thực tập thu nhập cao dành cho các bạn sinh viên, các bạn nếu được tuyển chọn thì ngay từ khi đang còn học tại UEH đã có thể nhận nguồn thu nhập 5-6 triệu/tháng dành cho các bạn chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và vào C.T Group thực hành lĩnh vực chuyên môn của mình.
Bạn Hồng Nhung - Sinh viên Khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing:
Em thấy các bạn sinh viên khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing thường quan tâm học xong ra trường sẽ làm gì. Tập đoàn C.T Group có rất nhiều hoạt động liên kết với khoa, với trường để tạo điều kiện cho chúng em có điều kiện tham quan, thực tập và có cơ hội làm việc tại đây.
Ngoài ra, mơ ước của sinh viên là được đi du học, làm việc tại các công ty đa quốc gia như Unilever, P&G, những tập đoàn lớn hoặc mở rộng kiến thức của mình bằng con đường du học…
Câu 8: Ngành Marketing là một ngành thu hút rất nhiều bạn trẻ hiện nay, đối với sự sáng tạo, thay đổi không ngừng, trong các hoạt động truyền thông. Thầy cô có thể chia sẻ những phương pháp học tập thú vị tại khoa được không ạ?
Thầy Đinh Tiên Minh - Khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing:
Phương pháp học ngày nay có quá nhiều sự thay đổi. Một trong những cách tiếp cận của đào tạo hiện nay là luôn phối hợp với doanh nghiệp, nhằm rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và doanh nghiệp. Việc đó được triển khai bằng cách giáo viên giảng dạy môn gì thì sinh viên sẽ trược trực tiếp thử sức với một dự án cụ thể, thậm chí phối hợp với các doanh nghiệp để doanh nghiệp cử nhân sự là mentor (người hướng dẫn) cho các em. Thế thì đầu đầu ra cuối cùng của môn là các em phải hoàn thành 1 dự án cụ thể. Ví dụ: Môn phát triển sản phẩm mới => kết quả sẽ là một sản phẩm, dịch vụ mới; Môn quản trị marketing => thành quả sẽ là một kế hoạch marketing hoàn chỉnh… Điều này giúp sinh viên cọ xát nhiều hơn không chỉ việc học mà còn việc thực tế tại doanh nghiệp. Và đó là sản phẩm cuối cùng xem như bài thi của các em.
Càng ngày đối với ngành marketing thì bài thi sẽ giảm thiểu đi, dần thay bằng các dự án phối hợp với doanh nghiệp. Như vậy đã tạo ra một phương pháp học tập mới, cách tiếp cận mới giúp giảng viên và sinh viên có cam kết cao, hứng thú nhiều hơn trong môn học.
Có rất nhiều ví dụ, trong môn digital marketing khi làm việc với một doanh nghiệp mà khoa đã có ký thỏa thuận với họ - Buzzmetrics - các em đã được thực hành tại doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường từ cácc dữ liệu lấy trên mạng xã hội và xem người dùng họ có hành vi gì, thích xem cái gì, có xu hướng chia sẻ gì… Để tìm ra thế hệ Gen Z, Millennials họ đang có những hành vi thay đổi theo sự phát triển của công nghệ như thế nào. Đây là điều tốt mà các doanh nghiệp thực sự rất cần thiết để có thể hiểu hơn về người tiêu dùng, về khách hàng của mình. Đó là một trong những dự án mà khoa và các bạn sinh viên rất tự hào vì đã làm được.
Câu 9: Có những sự đổi mới sáng tạo nào trong ngành du lịch để thu hút sinh viên quan tâm theo học?
Thầy Đức Trí - Viện Du lịch:
Khi mà nói đến Du Lịch người ta chỉ nghĩ đến tham quan dù nó chỉ là một phần rất nhỏ. Ngày nay nó còn có rất nhiều khía cạnh khác nhau như du lịch ẩm thực, du lịch trải nghiệm, khám phá… Thành ra không nhất thiết phải lệ thuộc hoàn toàn vào danh lam thắng cảnh dù nó nổi trội về mặt hình ảnh trên các phương tiện truyền thông. Có một mảng rất lớn hiện nay là tạo ra trải nghiệm như du lịch ảo chẳng hạn, vì vậy chúng tôi sẽ đi theo các hướng này chứ không giới hạn trong tham quan mà thôi.
Trong ngành DL có một số hình thức trước đây mình không nghĩ tới mà giờ lại phát triển rất nhiều như: Du lịch sức khỏe (Bà con trong nước và nước ngoài đến khám, chăm sóc sức khỏe), Du lịch du học (Các bạn từ Nhật, Hàn sang Việt Nam du học rất nhiều), Du lịch kinh doanh (tổ chức các sự kiện, hội nghị), trước đây Singapore và HongKong rất nổi bật về mảng này, tuy nhiên sau này Hà Nội và Hồ Chí Minh cũng phát triển khá mạnh mẽ, Du lịch thể thao (Đường đua F1, lần đầu tổ chức tại Việt Nam). Nói chung đây là một trong những ngành đem lại thu nhập tốt, tạo ra một hệ sinh thái lớn kéo theo sự phát triển mạnh của các ngành dịch vụ khác.
Thầy Việt Phương - Viện Du lịch:
Thực tế du lịch dựa trên rất nhiều tài nguyên ngoài danh lam thắng cảnh thì còn có yếu tố về văn hóa, nhiều quốc gia họ rất là giỏi trong việc khai thác phát triển du lịch về văn hóa, tạo ra đặc thù riêng cho dất nước mình. Tại sao Việt Nam chúng ta cũng có một bề dày văn hóa lịch sử như vậy, sự đa dạng các sắc tộc, văn hóa truyền thống như vậy mà chưa tận dụng hết. Chúng ta nên sáng tạo ra những sản phẩm dịch vụ để thu hút khách du lịch đến Việt Nam. Nhiều khách du lịch họ luôn thích tìm hiểu nét văn hóa truyền thống, đặc trưng của nước ta để khám phá.
Hiện nay tại Viện Du Lịch của UEH đang có rất nhiều những thay đổi trong sản phẩm liên quan đến giáo dục cụ thể như làm thế nào để phát triển một chương trình du lịch hoặc biết cách sáng tạo, tận dụng nguồn tài nguyên để tạo ra các sản phẩm du lịch khác nhau, phù hợp với những thị trường mục tiêu nhất định.
Câu 10: Nếu không giỏi ngoại ngữ thì em có bất lợi gì khi học Quản trị khách sạn?
Thầy Việt Phương - Viện Du lịch:
Về cơ bản cũng giống các ngành khác thì việc đầu tiên mà chúng ta phải lưu ý là hội nhập toàn cầu. Đây là một trong các yếu tố chúng ta không thể tránh khỏi trong thời đại hiện nay. Ngoài việc cố gắng nâng cao khả năng thích nghi thì cũng cần trau đồi ngoại ngữ thật tốt. Nếu chưa có nền tảng ngoại ngữ, các bạn cũng đừng lo lắng, hai năm đầu tiên chúng ta có ít nhất 4 học phần về ngoại ngữ. Bên cạnh đó thầy cô cũng giúp các bạn tiếp cận các từ ngữ chuyên ngành và nâng cao khả năng tiếng Anh của mình qua các bài thuyết trình.
UEH luôn khuyến khích các bạn sử dụng tài liệu nước ngoài khi các bạn tìm hiểu và làm các bài tập liên quan đến chuyên ngành của mình. Khóa 42 (cách đây 4 năm) đến giờ thì tất cả các tài liệu giảng dạy đều được Viện Du lịch phát triển từ tài liệu nước ngoài.
Câu 11: Sinh viên của Viện Du lịch có được thực hành trong quá trình học hoặc đi thực tập nước ngoài?
Thầy Đức Trí - Viện Du lịch:
Trong quá trình học thì Viện có tổ chức cho sinh viên đi du học nước ngoài và tiếp nhận sinh viên nước ngoài đến. Các năm trước thì Viện đưa sinh viên đi Hà Lan rồi đưa sang một trong các nước trong khu vực Châu Âu và chúng tôi cũng tiếp đón sinh viên từ các nước về đây như Singapore, Macao, Châu Âu. Hy vọng trong tương lai có thể mở rộng hơn, vì vấn đề chi phí nên hàng năm đang có khoảng 10% sinh viên của chúng tôi được tham gia du học như thế.
Câu 12: Việc học song ngành, trong một khoảng thời gian các bạn có được các tấm bằng với chuyên môn khác nhau thì mọi người nhìn nhận như thế nào?
Ông Trịnh Minh Cường:
Nó sẽ thực chứng cho 2 điều với nhân sự đó: Thứ nhất là hiểu biết, kiến thức ở cả hai lĩnh vực; Thứ hai là tinh thần ham học, sự nỗ lực kiên trì để trong 4 năm đó có thể chinh phục được cả hai bằng tốt nghiệp. Đây là một lợi thế, điểm khác biệt lớn dành cho bạn.
Thứ hai, nếu học tại UEH thì đó lại là một điểm cộng nữa cho các bạn, vì tốt nghiệp UEH với bằng cấp như vậy sẽ được đánh giá khá cao trong mắt nhà tuyển dụng. Chắc chắn doanh nghiệp nào cũng rất hứng thú nếu nhân sự nào có tính cách phù hợp. Vì chuyên môn thì có thể đào tạo thêm, còn phạm trù tính cách như sự siêng năng chăm chỉ, sự tích cực là điều không dễ mài dũa. Nếu bạn vừa có kỹ năng vừa có yếu tố tính cách, đạo đức nghề nghiệp tốt thì chắc chắn sẽ được tuyển dụng!
Cô Thu Hằng - Khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing:
Hiện giờ thì khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing đang trong quá tình đại tu, cải thiện nâng cấp lên theo tiêu chuẩn quốc tế. Khoa đã có xây dựng và có sự thống nhất trong việc các bạn có nhu cầu theo học song ngành thì không phải mất nhiều thời gian cho các môn học đại cương giống nhau và tập trung thời gian cho các ngành chuyên sâu, khác biệt của các ngành bạn đang theo học.
Các bạn cũng nên cân nhắc đừng học hai ngành có sự khác biệt quá xa về mặt chuyên ngành, như vậy các bộ kỹ năng chuyên môn có thể bổ trợ nhiều cho nhau, giúp quá trình học tập của các bạn đỡ vất vả hơn cũng như dễ áp dụng cho công việc sau này.
Khi các bạn mới vào học thì trong quá trình học đại cương có những phần nào muốn học chuyên sâu hơn về nó thì sang học kỳ II của năm 2 các bạn có thể đăng ký học song ngành để có thêm kiến thức, kỹ năng ở các ngành mà các bạn đam mê. Nhờ đó các bạn sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Câu 13: Em nhìn nhận đặc điểm của thế hệ mình như thế nào?
Bạn Hồng Nhung - Sinh viên Khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing:
Điểm mạnh của lứa tuổi chúng em là sẵn sàng dấn thân, trải nghiệm. Làm sao để dấn thân tìm ra được mình thích cái gì, muốn trở thành cái gì? Nếu có thể vừa đi học vừa đi làm mà vẫn cân bằng được thì sẽ trau dồi được rất nhiều thứ. Khi còn là sinh viên năm 1 thì em còn khá bộp chộp, nông nổi. Khi được học tập, tiếp nhận thêm kiến thức từ nhà trường và các hoạt động khác thì khai mở được bản thân nhiều hơn, điềm tĩnh hơn, sắp xếp xử lý mọi thứ tổng quan và tích cực hơn, có thể tự nhìn nhận đánh giá bản thân để cải thiện tốt hơn
Có lúc em đặt mục tiêu cho bản thân khá cao, đôi khi nhiều áp lực làm mình chùn bước. Cuối cùng khi mình đã vượt qua được thì sau đó em nghĩ những khó khăn sắp tới mình cũng vượt qua được thôi.
Câu 14: Nếu mục tiêu quá lớn mà nội lực mình đạt không tới thì làm cách nào?
Thầy Đinh Tiên Minh - Khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing:
Khi 1 người đặt ra mục tiêu thì phải tự biết được khả năng, năng lực của mình như thế nào. Khi đặt ra mục tiêu, các bạn cần chia nhỏ mục tiêu ra để có thể hoàn thành từng giai đoạn.
Ví dụ: Một bạn sinh viên muốn có một tấm bằng loại giỏi thì phải đặt mục tiêu năm thứ 1 thế nào, năm thứ 2 thế nào. Chi tiết hơn trong đó là từng học kỳ, từng môn sẽ có mục tiêu đạt được ra sao… Khi bạn chia nhỏ và cố gắng hoàn thành từng mục tiêu nhỏ đó thì tính khả thi nó sẽ cao hơn, bạn kiên trì nỗ lực thì sẽ đạt được điều đó. Có thể ban đầu sẽ thấy thách thức rất lớn, nhưng khi đạt được thì sẽ cho bạn thêm năng lượng để làm được những điều tốt hơn!
Câu 15: Sinh viên tốt nghiệp chuyênngành Quản trị du thuyền được làm trong những lĩnh vực nào?
Thầy Đức Trí - Viện Du lịch:
Đây là ngành chúng ta mới phát triển sau này thôi. Du thuyền trên sông, kênh rạch tại Việt Nam mới gần đây. Là một ngành rất là phát triển, ngắm quang cảnh trên sông thì rất khác với tham quan trên bờ. Nếu có dịp đi Châu Âu thì có thể thấy ngành du lịch trên sông rất phát triển, có thể tham quan, có tất cả các loại hình dịch vụ giải trí trên du thuyền phục vụ cho khách hàng kể cả casino. Chúng tôi khi phát triển ngành Quản Trị Du Thuyền thì nhắm đến hai thị trường chính: Một là đáp ứng nhu cầu nhân lực tiềm năng của Việt Nam, từ đồng bằng Sông Cửu Long có rất nhiều tour du lịch phát triển liên tuyến sang Campuchia hay các nước trong khu vực Đông Nam Á. Hai là nhu cầu nhân lực cho các tập đoàn du lịch có tiếng trên thế giới. Họ có chương trình tuyển dụng nhân sự trong khu vực tham gia phục vụ trên hệ thống du thuyền của họ hàng năm.
Nhu cầu phát triển của chuyên ngành Du Thuyền là rất lớn, ai mà quan tâm sẽ thấy tỷ lệ nhân viên quân bình trên một đầu khách ở các ngành khách sạn trong nước là <1 nhưng riêng với ngành Du Thuyền là trên 1 còn ở các khu vực như Địa Trung Hải là >5 nhân viên/đầu khách. Như vậy chúng ta có thể thấy dịch vụ trên du thuyền được chú trọng rất cao so với dịch vụ du lịch nói chung.
Dịch vụ Du Thuyền luôn bao gồm dịch vụ trên thuyền và dịch vụ trên bờ - các điểm đến của du thuyền. Dịch vụ trên bờ cũng nằm trong dịch vụ du thuyền nói chung. Du thuyền thường không đi một mạch tới điểm đến cuối mà theo hải trình sẽ ghé nhiều nơi, như vậy sẽ tạo ra một chuyên đề trên du thuyền đó. Với hải trình xa thì sẽ có rất nhiều dịch vụ trên boong phục vụ khách đi đường quốc tế. Còn trong nước với lộ trình ngắn thì có thể phục vụ các dịch vụ như đờn ca tài tử, ghé các làng nghề, thưởng thức đặc sản địa phương, viếng thăm điểm tâm linh… Trên thế giới có địa thế du lịch sông nước như đồng bằng Sông Cửu Long chỉ có 6 điểm nên chúng ta phải tận dụng lợi thế này.
Thầy Việt Phương - Viện Du lịch:
Về cơ bản thì chuyên ngành Quản Trị Du Thuyền là một trong những ngành đào tạo đại học khá hiếm tại Việt Nam. Chúng tôi là một trong những đơn vị đầu tiên đưa chuyên ngành này vào đào tạo trong quản trị du lịch, khách sạn… Về cơ bản bạn có thể xem Du Thuyền là một loại hình kết hợp vừa phục vụ lưu trú, vừa phục vụ được việc di chuyển từ vùng này sang vùng khác, tham quan các danh lam thắng cảnh từ nơi này đến nơi khác mà không cần thay đổi phương tiện di chuyển. Nói đến ngành này trước đây được biết đến chủ yếu phục vụ cho khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên với bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, số lượng người có khả năng chi trả cho sản phẩm dịch vụ ngành này ngày càng lớn hơn. Đây là một nước cờ rất phù hợp, đón đầu nhu cầu của khách du lịch nội địa cũng như quốc tế.
Câu 16: Chuyên ngành Quản Trị Khách Sạn có được học về Quản Trị Nhà Hàng hay không?
Thầy Đức Trí - Viện Du lịch:
Trong ngành Quản Trị Khách Sạn có phần đào tạo về Quản Trị Nhà Hàng và được gọi là Quản Trị Ẩm Thực thì đúng hơn. Nó có hai nhánh: Một là nhánh vận hành nhà hàng, hai là nhánh đi sâu vào tinh hoa ẩm thực, nói về các triết lý để tạo ra món ăn. Người Việt thì theo triết lý âm dương và áp dụng điều đó vào cách chế biến món ăn, người phương Tây lại có những triết lý riêng của họ.
► Xem thêm bộ Q&A về các ngành Kinh doanh quốc tế, Logictics và quản lý chuỗi cung ứng, Kinh doanh thương mại, Marketing, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn
► Xem thêm thông tin tại www.tuyensinhdaihoc.harthi.net.
Tin, ảnh: Phòng Marketing - Truyền thông, Khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing, Viện Du lịch.
Chia sẻ