ICBF 2024: Diễn đàn học thuật trao đổi các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế - Tài chính
12 tháng 08 năm 2024
Ngày 08 - 09/08/2024 vừa qua, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã tổ chức thành công Hội thảo Quốc tế thường niên “International Conference on Business and Finance 2024” (ICBF 2024). Hội thảo tập trung vào những vấn đề và thách thức hiện tại trong lĩnh vực Kinh tế - Tài chính, cung cấp một diễn đàn bổ ích cho các học giả trong và ngoài nước để trình bày, học hỏi và trao đổi các nghiên cứu mới. Đồng thời, hội thảo cũng tạo môi trường giúp các nhà nghiên cứu trẻ tiếp cận được môi trường học thuật chuyên nghiệp nhằm tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.
- UEH chủ trì thành công Hội thảo quốc tế thường niên “International Conference on Business and Finance 2022”
- Sách chuyên khảo UEH được xuất bản bởi NXB quốc tế World Scientific Singapore (WSS)
- Khai mạc Hội thảo Khoa học Quốc tế thường niên - International Conference on Business and Finance 2024 (ICBF 2024)
Toàn cảnh Hội thảo ICBF 2024
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, các quốc gia trên toàn thế giới đang tìm kiếm các giải pháp bền vững để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Vì vậy, chủ đề này thu hút được đông đảo các diễn giả tham gia trao đổi và bàn luận sôi nổi về định hướng phát triển bền vững trong lĩnh vực kinh tế - tài chính. Đây cũng là chủ đề chính của các nghiên cứu chuyên sâu mà đang thực hiện tại Viện Nghiên cứu Kinh doanh (IBR), như: vai trò của hệ thống tài chính trong tiến trình chuyển dịch năng lượng, và giải pháp chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp Việt Nam tầm nhìn đến năm 2045. Đến với ICBF năm nay, hội thảo có sự tham gia của các diễn giả chính:
GS. Jonathan Batten đến từ Đại học RMIT, Australia - nhấn mạnh tầm quan trọng của Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc cùng với các tiêu chí Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) trong tiến trình toàn cầu. Ông cho rằng nhu cầu nghiên cứu trong lĩnh vực kinh doanh sẽ ngày càng trở nên cấp thiết hơn so với các nghiên cứu truyền thống về Net Zero, Trái phiếu Xanh hay Blockchain. Giáo sư đã chứng minh những lợi ích thiết thực của các sáng kiến tập trung vào Mục tiêu Phát triển Bền vững, nhằm đảm bảo những đóng góp có ý nghĩa cho sự phát triển toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, đói nghèo và bất bình đẳng.
GS. Jonathan Batten (Đại học RMIT, Australia) trình bày trong hội thảo
GS. Aviral Tiwari (Học viện Quản lý Bodh Gaya, Ấn Độ) quan tâm đến mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu với token bất động sản, bao gồm các rủi ro vật chất và rủi ro chuyển đổi. Ông cho rằng bất kỳ thay đổi nào trong token bất động sản cũng ảnh hưởng rõ rệt đến các chỉ số biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh tiềm năng của các chiến lược đa dạng hóa và phòng ngừa rủi ro để quản lý sự biến động liên quan đến khí hậu trong danh mục đầu tư token bất động sản.
GS. Aviral Tiwari (Học viện Quản lý Bodh Gaya, Ấn Độ) trình bày trong hội thảo
GS. Siong Hook Law (Đại học Putra Malaysia, Malaysia) bàn luận về tác động của bất định kinh tế đối với bất bình đẳng thu nhập ở các quốc gia đang phát triển có mức độ bao trùm tài chính khác nhau và khẳng định rằng bất định kinh tế làm giảm bất bình đẳng thu nhập nếu một quốc gia có mức độ bao trùm tài chính tốt hơn. Chủ đề nhận được rất nhiều sự quan tâm của các học giả bởi bối cảnh bất định kinh tế ngày một tăng cao như hiện nay.
GS. Siong Hook Law (Đại học Putra Malaysia, Malaysia) trình bày trong hội thảo
Trong khi đó, GS. Hooy Chee Wooi (Đại học Sains Malaysia) dành sự quan tâm đến cách các Tổng giám đốc điều hành cân bằng các mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận của công ty trong phục vụ chương trình nghị sự môi trường, xã hội và quản trị, từ đó kết luận rằng quyền lực của CEO (bao gồm quyền sở hữu, quyền lực chuyên gia và quyền lực uy tín) đều có liên quan đến việc chấp nhận rủi ro của ban quản lý nhiều hơn và tính bền vững của doanh nghiệp kém hơn.
GS. Hooy Chee Wooi (Đại học Sains Malaysia) trình bày trong Hội thảo
Đi sâu hơn vào chủ đề này, GS. Evan LAU Poh Hock (Đại học Malaysia Sarawak, Malaysia) nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục trong việc chuẩn bị cho các nhà lãnh đạo tương lai, bằng cách thấm nhuần các nguyên tắc của Mục tiêu Phát triển Bền vững, Môi trường, Xã hội và Quản trị, và Đầu tư có trách nhiệm xã hội. Ông cho rằng việc trang bị cho các nhà lãnh đạo tương lai những kỹ năng và kiến thức cần thiết để hoạch định chính sách, phân bổ nguồn lực, và đổi mới hiệu quả có thể thúc đẩy sự thay đổi mang tính chuyển đổi, góp phần tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, đầu tư vào giáo dục và công nghệ có thể thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển, thúc đẩy tăng trưởng công bằng và nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu.
GS. Evan LAU Poh Hock (Đại học Malaysia Sarawak, Malaysia) trình bày trong hội thảo
Kinh tế tuần hoàn cũng là một khía cạnh được quan tâm bởi GS. Gary Campbell (Đại học Michigan, Hoa Kỳ) trong việc khai thác mỏ, dường như đi ngược lại mục tiêu của nền kinh tế tuần hoàn với hàm lượng quặng giảm và thiệt hại về môi trường ngày càng tăng. Những khoáng sản không tái tạo đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển năng lượng tái tạo và các công nghệ xanh. Do đó, cần có hành động của chính phủ để điều chỉnh thị trường theo kết quả hiệu quả mong muốn.
GS. Gary Campbell (Đại học Michigan, Hoa Kỳ) trình bày trong hội thảo
Góp phần đa dạng hơn trong chủ đề nghiên cứu này, các nghiên cứu của GS.TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh (UEH) đã xem xét bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức kép của thị trường năng lượng không ổn định và nhu cầu cấp thiết về đầu tư bền vững nhằm cải thiện khả năng phục hồi sinh thái giữa các thế hệ. Trái phiếu xanh được thể hiện như một công cụ phòng ngừa rủi ro và đa dạng hóa tiềm năng, tách rời khỏi các khoản đầu tư không thân thiện với môi trường. Đây được xem là một lựa chọn tốt để bảo vệ và cân bằng danh mục đầu tư trong thời kỳ khó khăn ở nhiều quốc gia, đặc biệt là trong dài hạn. Theo đó, các công cụ nợ cũng được tích hợp để tài trợ cho các dự án bền vững về môi trường vào các chính sách của chính phủ.
Các diễn giả cùng trao đổi thảo luận về chủ đề phát triển bền vững
Đặc biệt, một trong những điểm thu hút của hội thảo ICBF 2024 chính là Phiên gặp gỡ các biên tập viên và chủ biên đến từ các tạp chí nổi tiếng trên thế giới, không chỉ giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về tiêu chuẩn và quy trình xuất bản, mà còn cung cấp những gợi ý quý báu để cải thiện chất lượng nghiên cứu của mình như GS. Jonathan Batten (Emerging Markets Review); GS. Brian Lucey (International Review of Economics & Finance); GS. Gary Campbell (Resources Policy); GS. Marcin Staniewski (Contemporary Economics); GS. Evan LAU Poh Hock (Finance & Economics Readings); GS. Aviral Tiwari (International Journal of Emerging Markets); GS. Siong Hook Law (The International Journal of Economics and Management); GS. Muhammad Shahbaz (Journal of Environmental Management); GS. Hooy Chee Wooi (Capital Markets Review); GS. Daniel Balsalobre Lorente (Sustainable Cities and Society). Những phiên thảo luận và các buổi chia sẻ kinh nghiệm xuất bản này tạo điều kiện thuận lợi cho các diễn giả tiếp cận gần hơn với cơ hội công bố ở các tạp chí uy tín trên thế giới.
Phiên gặp gỡ các biên tập viên và chủ biên đến từ các tạp chí nổi tiếng trên thế giới
ICBF năm nay thu hút hơn 200 bài viết, trong đó có hơn 80 bài nghiên cứu chất lượng đã được chọn sau quá trình biên tập, chọn lọc kỹ lưỡng của Hội đồng Khoa học, để báo cáo tại Hội thảo. Trong khuôn khổ của ICBF 2024 diễn ra hai ngày 08-09/08/2024, có 7 phiên họp toàn thể và 40 phiên họp song song với các đề tài đa dạng liên quan đến các lĩnh vực: Quản trị kinh doanh, Tài chính, Quản lý, Ngân hàng, Tài chính hành vi, Kế toán, Kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Thị trường tài chính, Tài chính ở các thị trường mới nổi, Thương mại quốc tế, Tiếp thị, Lãnh đạo, Quản trị khu vực công, Kinh tế, Kinh doanh, Luật, và Du lịch. Tổng kết Hội thảo, Hội đồng Khoa học đã trao giải “Best paper awards” cho những bài báo đến từ các ý tưởng đang được cộng đồng khoa học quốc tế quan tâm với hàm lượng khoa học có giá trị cao nhất và xuất sắc nhất.
Bên cạnh đơn vị tổ chức chính là Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH, CFVG, ISB, IBR), cùng các đơn vị đồng tổ chức là Đại Học Lincoln - Vương quốc Anh và Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) – Singapore, sự đồng hành từ các Trường Đại học Chung-Ang (Hàn Quốc), Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bình Dương, và Trường Đại học Thủ Dầu Một đã đóng góp quan trọng vào sự thành công rực rỡ của hội thảo năm nay. Với những điểm nhấn nổi bật, Hội thảo ICBF 2024 tiếp tục khẳng định uy tín và trở thành một sự kiện thường niên do Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) tổ chức, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Sự kiện đã tạo ra một nền tảng quan trọng cho các học giả, nhà nghiên cứu, và chuyên gia để trao đổi ý tưởng, trình bày các nghiên cứu tiên tiến, và thảo luận về những vấn đề nổi bật trong lĩnh vực Kinh tế - Tài chính. Nhờ kết nối các nhà nghiên cứu và tổ chức khoa học, Hội thảo ICBF 2024 không chỉ mở rộng mạng lưới hợp tác mà còn tăng cường sự giao lưu tri thức, góp phần nâng cao chất lượng và tầm ảnh hưởng của nghiên cứu khoa học trên toàn cầu.
Xem thêm toàn bộ hình ảnh Hội thảo ICBF 2024:
Đại biểu tham dự ICBF 2024 chụp ảnh lưu niệm
Tin, ảnh: Viện Nghiên cứu Kinh doanh, Phòng Marketing - Truyền thông
Chia sẻ