Có 48h/ngày với tính kỷ luật
28 tháng 11 năm 2022
Gottfried Leibniz - nhà bác học lỗi lạc người Đức đã từng nói: Nắm lấy những thứ bạn cần, làm những điều bạn nên, và bạn sẽ nhận lại được điều mà bạn muốn”. Thế nên, những gì bạn có, đạt được trong tương lai chắc chắn cần phải được trui rèn và luyện tập từng chút một vào ngày hôm nay. Trong khuôn khổ bài viết này, Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA) sẽ tập trung vào cách thức xây dựng tính kỷ luật, giúp bạn mỗi ngày đều có thật nhiều năng lượng để hoàn thành tốt những mục tiêu mình đã đề ra.
Tính kỷ luật hay nguồn cảm hứng?
Bạn muốn cải thiện tình hình học tập nhưng cảm thấy thật khó để dành 2 tiếng mỗi ngày cho việc học. Bạn muốn giảm cân để xúng xính váy xinh nhưng thật khó để dành 30 phút mỗi ngày để đi bộ. Bạn thấy mọi người xung quanh đều có thể thực hiện được chúng một cách dễ dàng, nhưng bạn lại không! Đó có thể là do bạn không thể kiểm soát được tính kỷ luật của mình, khao khát muốn thực hiện mục tiêu của bạn chỉ xuất hiện khi có ai đó hoặc thứ gì đó truyền cho bạn nguồn động lực, nguồn cảm hứng.
Như chúng ta đều hiểu rằng, động lực là thứ khó có thể kiểm soát khi nào nó sẽ diễn ra. Sau khi tham dự workshop với chủ đề “Thiết lập mục tiêu”, bạn cảm thấy thật hào hứng để viết ra cho mình tất tần tật những mục tiêu của riêng mình, nhưng vài hôm sau lại cảm thấy chúng quá phiền phức và bạn không muốn thực hiện.
Thế nên, động lực cứ đến rồi sẽ đi, nhưng tính kỷ luật sẽ ở lại nếu bạn dành thời gian rèn luyện và thực hành. Đừng bao giờ cố gắng chờ đợi sẽ có một ai đó, một thứ gì đó đến và khích lệ bạn, có thể khiến bạn lập tức đứng bật dậy và hoàn thành công việc của mình, chỉ có bạn mới là người tự thực hiện nó. Bạn muốn làm gì? Bạn cần làm gì? Đều do bạn quyết định mà không phải do chịu tác động bởi bất kỳ ai. Hãy luôn hiểu rằng: Thói quen quyết định tính cách, còn tính cách sẽ quyết định số phận.
Bắt đầu từ những điều nhỏ nhất
Bắt đầu một việc nào đó không phải thứ dễ dàng, bạn sẽ rất dễ ngộp thở khi thấy tài liệu liên quan đến việc học tập chất cao như núi. Vì thế, đừng chọn những mục tiêu quá to lớn khi vừa mới bắt đầu. Những chiếc xe lâu ngày không chạy cần phải bắt đầu bằng những vòng lăn bánh chậm rãi và từ đó nhanh dần, bạn cũng thế thôi! Hãy chia nhỏ mục tiêu của bạn ra thành những thứ thật nhỏ, thật dễ, không mất quá nhiều thời gian và hoàn thành nó mỗi ngày. Tất cả những điều này sẽ vô hình trung tự tạo động lực để khiến bạn thực hiện nó và ngày càng tiến gần đến với mục tiêu lớn hơn.
Đặt mục tiêu theo mô hình S.M.A.R.T
Mô hình S.M.A.R.T (Nguồn THE COACHING)
Chắc hẳn các bạn sinh viên sẽ không còn lạ lẫm gì với mô hình đặt mục tiêu S.M.A.R.T đúng không nào? Với các yêu cầu: rõ ràng, đo đạt, kế hoạch, thực tế và thời gian, trong 30 ngày tới (T), tôi đặt mục tiêu giảm 3kg (M) bằng cách dành thời gian ít nhất 3 buổi/tuần để chạy bộ, mỗi lần chạy 30 phút (A). (R) Song song với đó, mỗi ngày tôi sẽ uống đủ 2 lít nước/ngày và hạn chế sử dụng những thực phẩm chứa nhiều đường như trà sữa, bánh ngọt nhiều nhất có thể. (S)
Thưởng phạt phân minh: Ngay từ khi bắt đầu thực hiện, hãy thử đặt ra cho bản thân một hình phạt để tránh trường hợp đôi khi chúng ta bỏ qua việc thực hiện nó mỗi ngày. Cách đơn giản nhất chính là: ví dụ nếu như hôm nay bạn không dành 30 phút ra để đi bộ như đã lên kế hoạch, bạn sẽ phải gửi một số tiền tương ứng vào tài khoản tiết kiệm của mình và không được rút ra cho đến khi hoàn thành 100% mục tiêu. Nhớ rủ người thân mình cùng tham gia quan sát nếu bạn không hoàn toàn tin tưởng vào bản thân mình nhé! Ngược lại, sau khi bạn đã hoàn thành mục tiêu của mình, hãy tự thưởng cho bản thân một thứ gì đó để giúp bạn cảm thấy vui vẻ hơn, nhưng hãy nhớ rằng đừng để nó ảnh hưởng đến kết quả của mục tiêu chung nhé! (sẽ thật kỳ lạ nếu như bạn dành 30 phút chạy bộ sau đó tự thưởng cho mình bằng 01 ly trà sữa size L full topping).
Lập to-do list: Mỗi sáng thức dậy, chúng ta thường dễ cảm thấy bồn chồn khi không biết liệu mình cần phải làm gì trong hôm nay. Hãy thử lập cho mình một danh sách những việc bạn cần phải làm (bao gồm các công việc bắt buộc phải làm như đi học, đi làm đến các công việc mang tính vui chơi giải trí như gặp gỡ bạn bè, xem phim, lướt web,...). Tổng hợp lại những điều bạn đã làm trong một ngày và viết ra những thứ nó đã mang đến cho bạn, mỗi ngày qua đi, bạn sẽ tự cảm thấy rằng mình cần phải ưu tiên làm việc gì và hạn chế làm việc gì đó.
Bullet Journal là một trong những công cụ hỗ trợ lên kế hoạch rất được ưa chuộng bởi các bạn trẻ ngày nay
(Nguồn etsy.com)
Hài lòng với những gì bạn đang có, bạn đang làm
Đôi khi chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi rất nhiều thứ xung quanh, đến từ bên ngoài như áp lực đồng trang lứa, hay từ bên trong như sự tự thất vọng bản thân. Tất cả đều dễ dàng ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch của bạn. Tuy nhiên, cách tốt nhất là tiếp tục cố gắng, dù cho có chuyện gì xảy ra, mọi thứ sẽ rất khó khăn nhưng nếu bạn tiếp tục cố gắng thực hiện, sự kỷ luật sẽ mang đến cho bạn những kết quả hoàn toàn xứng đáng. Và nếu như bạn có được sự kỷ luật, nó sẽ mang lại cho bạn sự tự do để lên kế hoạch và hoàn thành bất kỳ mục tiêu nào mà bạn muốn.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn sinh viên xác định rõ ràng hơn về tầm quan trọng của tính kỷ luật. DSA mong rằng, mỗi bạn sinh viên của chúng ta sẽ luôn đạt được thật nhiều mục tiêu mình tự tạo ra, chúng ta sống cuộc sống của riêng mình, hãy cố gắng thấu hiểu bản thân và xây dựng chất lượng cuộc sống ngày một tốt hơn bạn nhé!
Tin, Ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học