PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo: Tổng thống Mỹ là ai thì các bài toán kinh tế của Việt Nam vẫn không thay đổi
13 tháng 11 năm 2020
Trao đổi với Trí Thức Trẻ về tác động của việc thay đổi Tổng thống Mỹ sau kỳ bầu cử, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính, tài xỉu online HCM, nhấn mạnh: "Những thành tựu của kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục mà không bị tác động đáng kể bởi kết quả bầu cử".
01. Ông Biden sẽ sử dụng chiến lược nào với Trung Quốc?
Liên quan đến các vấn đề về chính sách, theo ông, liệu ông Biden sẽ tiếp tục những chính sách gì vốn rất nổi tiếng của ông Trump?
Theo tôi, chúng ta nên nhìn nhận lại cách tiếp cận với vấn đề này. Đầu tiên, tôi muốn nói rằng việc gọi: ‘chính sách của ông Trump’ hay ‘chính sách ông Biden’ là chưa phù hợp.
Các chính sách của Mỹ được hoạch định và thông qua bởi các trung tâm đầu não, các cố vấn, những nhà hoạch định chính sách, chính trị gia cũng như nhiều cơ quan khác nhau. Đương nhiên, Tổng thống đóng vai trò rất quan trọng và để lại dấu ấn rõ nét trong những chính sách đó, nhưng nhìn chung đó là chính sách của cả một hệ thống. Tổng thống đóng vai trò là người đại diện.
Vì vậy tôi cho rằng, là một Tổng thống khôn ngoan thì ông Biden sẽ tiếp tục hoặc không thay đổi nhiều những chính sách đã được định hình từ trước đó, từ thời Tổng thống Trump, thậm chí là từ thời ông Obama. Đặc biệt là những chiến lược dài hạn, đang trong quá trình triển khai và phát huy tác dụng, có lợi cho nước Mỹ thì sẽ được tiếp tục chứ chắc chắn không thể quay 180 độ hay phủi sạch.
Vậy theo ông, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ thay đổi như thế nào khi ông Biden làm Tổng thống?
Trước hết cần nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ khởi động cuộc thương chiến với Trung Quốc và rộng hơn là đặt hai quốc gia vào thế đối đầu trực diện là quyết sách dưới thời ông Trump. Có thể chính quyền Hoa Kỳ từ rất lâu đã nhiều lần than phiền về các chính sách đi ngược lại xu hướng thương mại tự do hoặc vi phạm các nguyên tắc cạnh tranh công bằng trong sân chơi toàn cầu hoá.
Nhưng ông Trump là người đầu tiên biến tất cả những phát biểu và nỗ lực ngoại giao đó bằng các hành động cụ thể và cứng rắn. Ngay khi đắc cử, ông Trump đã phát biểu rằng qua mấy chục đời tổng thống, chưa có ai dám hành động cứng rắn, quyết liệt với Trung Quốc như vậy: "Tôi là người đầu tiên".
Để làm được những điều này, có thể ông Trump phải chấp nhận những đánh đổi về kinh tế và chính trị, nhưng bước đầu có thể nói là ông Trump đã thành công khi dồn Trung Quốc vào thế bị động trong cuộc chơi thương mại, để nước Mỹ chiếm thế thượng phong.
Bằng việc liên tục tung ra các đợt tấn công bất ngờ và mạnh mẽ, ông Trump đã buộc Trung Quốc phải tham gia cuộc chơi thương mại công bằng hơn, tôn trọng những nguyên tắc của toàn cầu hóa hơn. Chẳng hạn như việc cân bằng lợi ích thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, không đi ngược lại với thương mại tự do bằng cách tài trợ, hỗ trợ cho những doanh nghiệp quốc doanh, doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, thao túng các hãng công nghệ… Đây là những quyết sách đúng đắn và đã nhận được sự đồng thuận của cả nước Mỹ, bao gồm giới chức chính phủ và người dân Mỹ.
Vì vậy, tôi cho rằng ông Biden sẽ tiếp tục thực thi chiến lược này với Trung Quốc. Tuy nhiên, là một chính trị gia lão luyện nên ông Biden sẽ có sự chừng mực và khéo léo. Do vậy cách tiếp cận của ông Biden có thể sẽ ôn hoà, nhẹ nhàng hơn để tạo ra sự đồng thuận và cảm thông lớn hơn.
Tuy nhiên, đây là một con dao hai lưỡi, có sự đánh đổi. Có thể ông Biden được đánh giá cao ở bề dày kinh nghiệm chính trị và đặc biệt là 8 năm làm Phó Tổng thống.
Song, trước đó ông Trump đã tạo ra một ấn tượng mạnh mẽ và là một người khó đoán định. Ông Trump cũng đã biến nhược điểm không có kinh nghiệm làm chính trị của mình thành một lợi thế, nói ví von là "vô chiêu thắng hữu chiêu", với hành động và quyết sách vô cùng bất định. Điều này khiến cho các chính trị gia lão luyện của Trung Quốc vô cùng bị động trước những gì sắp diễn ra. Suốt giai đoạn thương chiến leo thang, hầu như Trung Quốc hoàn toàn gồng mình chịu đòn và đáp trả vô cùng yếu ớt.
Thậm chí các trợ lý và cố vấn của ông Trump phải theo dõi twitter để đoán xem ông Trump sẽ chỉ đạo gì, từ đó có thể chuẩn bị trước. Chắc chắn, ông Biden sẽ không có những lợi thế như vậy!
02. Cuộc chơi mới và TPP và câu chuyện Việt Nam
Ông cho rằng ông Trump đầy bất định còn ông Biden thì lại dễ đoán và đấy là con dao hai lưỡi. Vậy điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế của Việt Nam?
Những tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến nền kinh tế Việt Nam sẽ vẫn như vậy. Bởi dù là ông Trump hay ông Biden thắng cử thì cả hai ông sẽ đều tiếp tục theo đuổi thương chiến với Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải đàm phán và thỏa hiệp theo những yêu sách của Mỹ.
Những yêu sách đó phần nào sẽ định hình lại quá trình toàn cầu hóa và xu hướng tự do hóa thương mại mới. Từ đó, Việt Nam vẫn sẽ có những lợi thế nhất định. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay đang chịu tác động bởi hai cú sốc quan trọng.
Thứ nhất là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Mỹ đang tìm cách làm suy yếu các lợi thế thương mại của Trung Quốc. Điều này khiến Trung Quốc phải tập trung đối phó với những yêu sách mới của Mỹ, từ đó không còn đủ thời gian và nguồn lực để tập trung vào các tham vọng bá quyền trong quá trình toàn cầu hóa và thương mại thế giới.
Thứ hai, đại dịch Covid-19 nổ ra cũng làm cho chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy. Do vậy, toàn cầu hóa sẽ được định hình lại theo một cách chơi mới.
Cách đây không lâu, Trung Quốc cũng đã đưa ra lý thuyết vòng thương mại kép gồm vòng lưu thông nội bộ và vòng lưu thông bên ngoài. Mục đích đầu tiên là để Trung Quốc có thể thích ứng chiến tranh thương mại với Mỹ. Đồng thời là để tranh thủ sự tái cấu trúc của chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.
Điều này sẽ mở ra cho Việt Nam cơ hội, giúp tăng lợi thế của hàng Việt khi chúng ta có thêm cơ hội để chen chân, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Đây cũng là một dịp để Việt Nam nhìn lại đúng đắn hơn về vai trò của các nguồn lực kinh tế trong nước. Cả Covid-19 lẫn chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đều làm cho chúng ta nhận thấy rủi ro rất cao khi quá lệ thuộc vào nguồn cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu mà bỏ quên thị trường nội địa cũng như những nguồn lực trong nước. Đặc biệt là quá lệ thuộc vào các yếu tố đầu vào và đầu ra từ thị trường Trung Quốc.
Nhìn chung, tôi nghĩ đây là những cơ hội rất tốt để Việt Nam có thể cải cách kinh tế mạnh mẽ, phát huy nội lực nhiều hơn, chủ động hơn trong làn sóng toàn cầu hóa và chiến tranh thương mại toàn cầu.
Ngay khi nhậm chức, ông Trump đã tuyên bố rút khỏi TPP. Vậy liệu khi lên nắm quyền, ông Biden có thể làm ngược lại?
Việc ông Trump rút lui khỏi TPP hoặc cho rằng ông Trump không tham gia vào TPP thì chưa hoàn toàn chính xác. Bởi lẽ ông Trump nói rõ rằng sẽ "chơi" TPP theo cách mới - của một Tổng thống xuất thân là doanh nhân, theo phong cách "kinh doanh", ông Trump chỉ đàm phán TPP song phương với từng nước và "điều đó sẽ đem việc làm và các ngành công nghiệp quay trở về Mỹ", như ông đã tuyên bố.
Quan điểm của ông Trump là muốn kéo các quốc gia phải ngồi đàm phán song phương với Mỹ vì điều này sẽ mạng lại có lợi ích rõ ràng và cụ thể cho nước Mỹ.
Đến khi nhậm chức, có thể ông Biden sẽ thể hiện bằng những động thái ngoại giao ôn hoà, khéo léo để lôi kéo sự đồng thuận và đặc biệt là hâm nóng lại các mối quan hệ đồng minh đang tan rã. Tuy nhiên, những nguyên tắc và giá trị cốt lõi trong chiến lược ngoại thương của Mỹ vẫn sẽ được bảo toàn, bởi vì đây có thể là một trong những lựa chọn bắt buộc của Mỹ lúc này để tái định hình những chính sách kinh tế, nhất là sau đại dịch Covid-19. Do vậy, tôi cho rằng ông Biden sẽ khởi động lại TPP.
Những chính sách liên quan đến vấn đề về thâm hụt thương mại lớn của Mỹ với các nước (bao gồm Việt Nam) có thể thay đổi ra sao dưới thời ông Biden?
Các chính sách ngoại giao song phương của Mỹ, đặc biệt về thương mại dưới thời ông Trump khá thẳng thắn và gai góc. Tuy nhiên, khi ông Biden đắc cử thì ông Biden sẽ "làm mềm" các yêu sách của Mỹ và không tỏ ra cứng rắn như ông Trump. Vì vậy, các quốc gia cũng sẽ giảm áp lực hơn.
Bên cạnh đó, việc thặng dư thương mại giữa Mỹ và Việt Nam tăng lên hay giảm xuống là do nội lực tự thân của nền kinh tế chúng ta nhiều hơn là từ chính sách kinh tế của Mỹ. Cụ thể hơn, nếu chúng ta muốn bán được nhiều hàng hóa hơn thì phải sản xuất ra hàng hóa chất lượng cao hơn, đúng thị hiếu và các yêu cầu của bạn hàng.
Nhìn chung, ông Trump hay ông Biden làm Tổng thống thì những tác động về thương mại đối với Việt Nam, theo tôi là rất nhỏ. Do vậy, điều quan trọng là chúng ta tập trung tự thay đổi, tái cấu trúc và cải cách để có một nền kinh tế khỏe mạnh hơn là quá chú ý đến việc sắp tới bên nhà hàng xóm ai lên làm chủ (cười).
Tốc độ dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia khác như Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào khi ông Biden lên làm Tổng thống?
Tôi cho rằng, Covid-19 cũng như chiến tranh thương mại dẫn đến sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các quốc gia gần với Trung Quốc và sẽ giữ nguyên xu hướng như vậy dù ai sẽ trở thành người đứng đầu nước Mỹ.
Thực chất, ông Trump hay ông Biden làm Tổng thống thì những tác động đối với Việt Nam là không đáng kể, bởi các chính sách của Mỹ sẽ không hướng trực tiếp đến Việt Nam. Chúng ta chỉ chịu tác động gián tiếp từ những chính sách đó.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang có hướng đi rất đúng đắn khi Chính phủ thực hiện quyết sách "lót ổ đón đại bàng", thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài lớn đến với Việt Nam.
Điều quan trọng lúc này của chúng ta là tập trung nguồn lực, cả về trí tuệ lẫn vật chất cho cải cách nền kinh tế, cố gắng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tập trung nhiều hơn cho nền sản xuất nội địa, nhu cầu nội địa. Đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường đầu ra cho nền kinh tế Việt Nam cũng là những "liều vaccine" hữu hiệu để làm tăng sức đề kháng cho nền kinh tế. Điều này sẽ giúp cho nền kinh tế của chúng ta tự chủ hơn, ứng phó tốt hơn trước những cú sốc ngoại sinh và đầy bất định có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều như hiện nay.
Nguồn: Quỳnh Lê -
Chia sẻ